Video Du lịch
Video
VỀ THĂM QUÊ BÁC
Mường Thanh khai trương khách sạn 4 sao ở phố núi
Vinh - Hà Nội - Bangkok - Pattaya - Hà Nội - Vinh
Chuẩn bị Lễ đón nhận dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh
Vinh - Tam Cốc - Bích động - Chùa Bái Đính - Chùa Hương - Suối cá Cẩm lương - Vinh
Vinh - Bắc Kạn - Cao Bằng - Thác Bản Giốc - Lạng Sơn - Vinh
Vinh - Tam Cốc Bích Động - Chùa Bái Đính - Cố đô Hoa Lư - Nhà thờ đá Phát Diệm
Công ty du lịch Nghệ An
Liên kết Website
Hỗ trợ trực tuyến

HOTLINE - (+84) 986 821 777 - 0934654558

VĂN PHÒNG/OFFICE - (0238) 3 835 476 - 3 844 692 - 3 588 889
Hôm nay: 13
Tất cả: 818,174
 
 
ĐIỂM ĐẾN | CAMPUCHIA
Bản in
Angkor Thom và Đền Bayon của Xứ Miên
Tin đăng ngày: 18/1/2012 - Xem: 2567
 

Vào một thời kỳ khi mà hầu hết toàn thể lục địa Âu Châu đang ngụp lặn trong kỷ nguyên u tối của thời Trung Cổ thì nơi miền Đông Nam Á xa xôi, các tay thợ kiến trúc, xây dựng và điêu khắc đang xây cất những đền đài mà tầm vóc của chúng có thể sánh với những công trình của nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đáng kể nhất là những đền Borobudur, Prambanan ở Java, khu thánh địa vùng Pagan, Miến Điện, và quần thể những đền thiêng ở Cambodia. Tiếp theo bài kỳ trước, chúng ta hãy cùng viếng kinh đô cổ xưa Angkor Thom với khu đền trung tâm Bayon huyền bí.

Angkor Thom có nghĩa là Thành Phố Lớn là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của vương quốc Khmer được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12. Sau khi vua Suryavarman II là người xây dựng Angkor Wat băng hà vào khoảng năm 1150, Kampuchia rơi vào tình trạng rối ren, vô chính phủ. Quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công và cuối cùng cưỡng chiếm Angkor Wat. Jayavarman VII lúc sinh thời vốn là một người thích sống ẩn dật, chọn lối sống thanh bần, ông thờ ơ với mọi biến động trong đời sống. Đến 50 tuổi, thấy đất nước quá tang thương vì loạn lạc và bị ngoại xâm dày xéo, ông thấy không còn con đường nào khác hơn là theo con đường kiếm cung mới mong cứu được đất nước qua cơn nguy khốn. Năm 1181, ông dấy binh khởi nghĩa, sau ròng rã bốn năm chiến đấu, ông đánh đuổi được Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình, khôi phục lại thanh bình và xây dựng nên một đất nước hùng mạnh.

Kinh thành Angkor Thom chiếm một diện tích xấp xỉ 10 cây số vuông mà thời cao điểm của nó dân số lên đến một triệu người trong khi ở Luân Đôn thời ấy chỉ có năm mươi ngàn dân. Bên trong Angkor Thom là những kiến trúc có từ thời các vua trước cùng với những khu đền xây dưới thời vua Jayavarman VII, cộng với những gì được xây dựng tiếp vào các đời sau. Chính ngay ở Angkor Thom vua Jayavarman cho xây dựng các công trình ồ ạt đên nỗi về sau người ta tìm thấy một phiến đá ghi khắc lại Jayavarman như là chú rể mà thành phố chính là cô dâu. Ba thế kỷ trước, đây là kinh đô dưới thời vua Yasodharapura, trung tâm nằm hơi chệch về hướng tây bắc, kinh đô Angkor Thom nằm chồng lên một phần của kinh đô cũ đó. Những khu đền đáng chú ý có từ trước gồm các đền Baphuon, khu cung điện Phimeanakas của vua Suryavarman I, Sân voi, và Sân tượng vua "cùi" được sát nhập vào khu vực hoàng cung. Ngôi đền sau cùng được biết đã xây thêm trong khu vực Angkor Thom là Mangalartha vào năm 1295. Về sau các công trình sẳn có được thêm thắt ít nhiều nhưng không tồn tại lâu vì được dùng những vật liệu không có độ bền cao. Angkor Thom vẫn tiếp tục được chọn làm kinh đô nhưng tàn lụi dần mãi đến khi bị bỏ hoang phế.
Thành Angkor Thom cao 8 mét, vuông vức bốn cạnh mà mỗi cạnh dài 3 cây số, che chở một kinh đô rộng gần 10 cây số vuông. Bên ngoài bao bọc bằng một hệ thống hào rộng chừng 100 mét mà theo truyền khẩu thời ấy chứa đầy loài sấu hung dữ. Hào vừa được dùng đề bảo vệ thành vừa làm hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho dân chúng. Thành làm bằng đá ong ở hai mặt, giữa phủ đầy đất. Ở giữa bốn mặt thành nhìn ra các hướng đông, tây, nam, bắc có cổng thành với tháp đền cao 23 mét nằm bên trên, được tạc hình bốn khuôn mặt trông ra bốn hướng. Ngoài ra, 500 mét về phía bắc cổng phía đông một cổng khác được xây thêm và có tên là Cổng Chiến Thắng, con đường đi vào cổng này chạy song song với đường vào cổng phía đông, đi vào công trường Chiến Thắng và hoàng cung, lệch về phía bắc của khu đền Bayon. Lối vào các cổng thành là một cầu đá chạy qua hào nước, hai bên có hình tượng các quỉ thần đang ôm kéo rằn thần Naga mà bên trái là 54 thần devas và bên phải là 54 quỉ asuras như thường thấy ở Angkor Wat và một số đền khác. Đây có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thuyết Khuấy Động Biển Sữa để tìm thuốc trường sinh, một truyền tích thấy đầy dẫy trên những tranh chạm khắc trong các đền ở Angkor. Đây được xem như là nơi chuyển tiếp giữa thế giới người với thế giới quỉ thần. Cổng phía nam tấp nập nhiều du khách nhất vì nơi đây đã được phục chế gần hoàn toàn và các tượng tương đối ít mất đầu. Hơn nữa đây là đường chính gần nhất nối thẳng từ Angkor Wat đến Angkor Thom.
Henri Mouhot khi mới đến đây vào khoảng năm 1858, từ tường thành vào trong là rừng già rậm rạp, dây leo, cây cao khắp nơi không thể nào biết được có sự hiện diện của thành phố và đền thiêng. Khó khăn lắm ông mới khám phá được khu đền Bayon mãi xa tít tận bên trong, ở đó lần đầu tiên ông nhìn thấy những tháp với những khuôn mặt với nụ cười bí hiểm.

Khu đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom, cách cổng thành khoảng 1 cây sô rưởi. Bayon là khu đền súc tích với những trang trí chạm khắc bằng đá đẹp đẽ. Được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ 12 và đầu thế kỷ thứ 13 như là đền chính thức của vua Jayavarman VII, tin theo Phật giáo đại thừa khác với tín ngưỡng Ân Giáo như các vua trước nhưng vẫn theo truyền thống vua thần (devaraja). Vua Jayavarman VII cải giáo sang đại thừa vì các vua đời trước nối nghiệp vua Suryavarman II theo Ấn Giáo, người xây dựng Angkor Wat đã để quân Chiêm đánh bại. Sau khi Jayavarman VII chết, những vua nối tiếp với tín ngưỡng khác nhau như Ấn Giáo, Phật Giáo Nguyên Thủy, đã xây thêm cho ngôi đền dựa theo tín ngưỡng của mình.


Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều, gạch đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình khuôn mặt. Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, một tổng hợp liên quan đến lịch sử lẫn các truyền thuyết, miêu tả cảnh diễn hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman với Chiêm Thành bằng cả thủy lẫn bộ chiến, ngoài ra còn miêu tả đời sống văn hóa, xã hội của một nền văn minh đã bị lãng quên từ bao thế kỷ. Nhiều khoảng tường công trình vẫn còn dở dang, chỉ còn để lại nét phát họa. Có lẽ bị bỏ dở khi vua Jayavarman qua đời.
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, chạm khắc thành 2, 3 và chung chung là 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng. Những khuôn mặt có nụ cười bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển.
Sự tương đồng của vô số khuôn mặt khổng lồ ở trên các tháp của đền Bayon với các bức tượng khác của vua Jayavarman VII khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Mr. Coedes thì lý luận rằng vua Jayavarman theo truyền thống của các vua Khmer tự cho mình là vua thần (devaraja), khác với các vua trước theo Ấn Giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, trong khi Jayavarman là một phật tử nên cho hình ảnh Phật, và Bồ Tát là chính mình. Có tất cả 37 tháp đền đá tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi bốn hướng như thể quan sát chúng sanh và che chở cho đất nước.
Bên trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Tất cả nằm dồn lại với nhau trong một không gian hạn hẹp bề 140 m và bề 160 m, trong khi phần chính của ngôi đền nằm ở tầng trên lại còn hẹp hơn với kích thước 70 m x 80 m; khác với Angkor Wat, người ta phải trầm trồ với qui mô to lớn và thoáng rộng của nó. Ta có thể ví von sự xây dựng Bayon trong một không gian chật hẹp như xây một giáo đường lớn trên vị trí của một nhà thờ làng. Từ xa nhìn vào Bayon rải dài theo chiều ngang như một đống đá lổn chổn muốn vươn lên trời cao. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng khi đã đặt chân lên tầng trên người ta bỗng thấy trầm lắng lại. Cảm thấy nhỏ bé trước vẻ uy nghi của những khuôn mặt khổng lồ tạc trên đá, người ta không còn quan tâm đến cái tổng thể hay cái mớ hỗn mang của đồ án nữa. Bâng khuâng giữa hàng chục tháp đền với vô số khuôn mặt với nụ cười bí hiểm được hình thành vượt khỏi tỷ lệ thông thường, xa vời với mọi qui ước của kiến trúc, người ta chỉ chú ý đến vẻ mặt của từng khuôn mặt. Dần dần cái mớ bòng bong vô trật tự ấy lại trở thành rất trật tự, người ta thấy nơi cái vô số tháp đền đó như tổng hợp của nhiều phân tử gom lại ở trung tâm dưới hình thức một bó. Cái cấu trúc của khu đền không còn là vấn đề nữa mà chính biểu tượng của nó mới đáng kể.


Một trong bốn khuôn mặt nhìn bốn hướng với nụ cười thần bí tạc trên tháp trung tâm. Đây là tượng được nhiều du khách đứng cạnh để chụp hình nhất vì người ta tin sẽ được mang lại nhiều may mắn.

Các tháp có kích cỡ cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thắng vào mắt của du khách. Đi theo những lối đi quanh co, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Người ta hẳn đều phải tán đồng với Pierre Lôti qua lời nhận xét của ông: "Máu tôi như đông lại…Tôi thấy như mình bị quan sát từ mọi phía."
Henri Parmentier, người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, đã gọi đền Bayon là "hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn."
Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, đã viết trong cuốn Cẩm Nang Khảo Cổ Về Các Đền ở Angkor của mình như sau: "Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác…Người ta cảm giác như mình đang sống trở lại với một thời đại của những chuyện thần tiên, lúc mà thần Indra xây dựng một đền thờ dành cho đám cưới của con trai mình lấy con gái của vua rắn Nagas nhiều đầu."
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhât. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm. Một số dân Khmer cho rằng Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia thành 54 tỉnh, những đôi mắt của những bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh đó để cứu độ (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh của vua Jayavarman).
Thoạt đầu vào năm 1929, Robert J. Casey trong cuốn sách về Angkor nhan đề In Fact cho rằng những khuôn mặt đá là những khuôn mặt của thần Siva thuộc Ấn giáo. Thế rồi trong thập niên 1930, các nhà khảo cổ thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ khám phá ra rằng cái mô-típ ấy thuộc bên Phật giáo đại thừa mà những hình ảnh bốn mặt đó là của Bồ Tát Quán Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara). Họ lý luận rằng theo tông phái đại thừa, bồ tát là người đã hoàn toàn giác ngộ để đạt thành Phật. Thay vì nhập niết bàn (nirvana), họ chọn ở lại trần gian để cứu độ những kẻ đang bị trầm luân trong khổ ải. Qua nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt, vị bồ tát mà dân Kampuchia gọi là Lokesvara đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Đồng thời có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara, một vị Phật sống qua vai trò của một vị vua thần.
Nhìn ngược về lịch sử, chiến thắng bất ngờ của vua Jayavarman VII dành lại độc lập cho xứ sở từ quân Chiêm đã chiếm được trái tim của mọi con dân Khmer. Sau khi đánh bại quân Chiêm, ông thừa thắng thôn tính luôn nước Chiêm Thành và mở rộng lãnh thổ trải dài khắp vùng Đông Nam Á. Những tháp với bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng có lẽ để làm e dè những kẻ đến chiêm bái ở đền Bayon. Nhìn đâu họ cũng thấy những đôi mắt của vị vua thần đang chằm chằm nhìn họ. Đồng thời những kẻ sùng bái thần phục lòng thương yêu của vị vua dành cho họ qua những hình ảnh trên những bức phù điêu mô tả đời sống thường nhật của dân chúng. Ngoài ra còn những bức miêu tả công lao đánh đuổi ngoại xâm Chiêm Thành nhắc nhở với thần dân rằng họ mang ơn vô vàn đối với vị vua thần đầy nhân ái, kẻ đã xả thân lưu lại trần gian vì lợi ích của muôn dân. Jayavarman còn có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Kampuchia. Một bản bia đá tìm được có trích dẫn rằng "ngài cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân hơn của chính mình bởi nỗi khổ của kẻ khác tức là nỗi khổ của ngài, sự đau khổ của thần dân còn lớn hơn nỗi khổ của chính ngài nữa."

Campuchia khác:
Vẻ đẹp của biển Mũi Kê Gà, Hàm Thuận Nam (7/11/2016)
9 địa điểm không thể bỏ qua khi đến Campuchia (6/9/2016)
Thủ đô Vientiane - Lào (3/2/2012)
Hấp dẫn huyền thoại Cánh đồng Chum (3/2/2012)
Đền Pre Rup ở Campuchia (18/1/2012)
Cuộc sống ở làng nổi Campuchia (18/1/2012)
Đền Banteay Srei - Thánh địa các nữ tu (18/1/2012)
Núi Kulen và Kbal Spean - dòng sông nghìn tượng (18/1/2012)
Angkor - kỳ quan của những huyền thoại (18/1/2012)
Angkor Thom và Đền Bayon của Xứ Miên (18/1/2012)
Ðời sống thời đại Angkor (18/1/2012)
Các lễ hội chính ở Campuchia (18/1/2012)
Quảng Châu - Thâm Quyến (18/1/2012)
Bangkok, Thailand (18/1/2012)
Huyền thoại Thác Tình Yêu (18/1/2012)
Trang chủ |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Du lịch trong nước  |  DL nước ngoài  |  Dịch vụ  |  Chính sách  |  Cẩm nang  | Liên hệ
 

Công ty Cổ phần du lịch Nghệ An,
Giấy ĐKKD 2900325639 ngày cấp 15/07/2005 - Chủ tịch HĐQT: Lê Thanh Thản ; 

Giám đốc: Tạ Khắc Uyên

Website: http://ngheantour.vn

- Trung tâm Lữ hành Quốc tế
Địa chỉ: P2201 - Tòa nhà Bông Sen - Số 39 - Quang Trung - TP.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3.835.476; (0238)3.844692; Fax: (0238)3.843.635 - Hotline: Mr.Nho - 0986 821 777
Email: ngheantour@ngheantour.vn,  natourco@gmail.com

-Trung tâm lữ hành quốc tế Bông Sen Vàng
Địa chỉ: P2203 - Tòa nhà Bông Sen - Số 39 - Quang Trung - TP.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238)3.588.889; Fax: (0238)3.588.887 - Hotline: Mr Hiển - 0919563890
Email: golotour.na@gmail.com